Tôi hào hứng nhận “nhiệm vụ” đưa người cựu chiến binh già, bạn đồng ngũ của chú ruột tôi, nay là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái ở Đà Nẵng, lên Tu Mơ Rông.

Chiều hôm trước, ông gọi điện cho tôi, đề nghị thu xếp thời gian đưa ông đi vài nơi khảo sát, tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tôi đồng ý ngay, và đề nghị ông nên lên Tu Mơ Rông. Tôi muốn nhờ ông làm điều gì đó (nếu có thể) cho vùng đất mà tôi yêu quý.

Đầu tháng 12. Nắng vàng rưng rức trải khắp núi rừng, sông suối. Gió quất ràn rạt, phóng khoáng trên các sườn đồi. Xe bò lên đèo Măng Rơi. Ông khẽ bóp cái lưng, than: Già rồi, ngồi xe tý đã thấy mỏi. Còn lâu nữa không?

Tôi “nịnh”: Không đâu, chú còn phong độ lắm. Mấy con đèo này mùi mẽ gì. Mà cũng sắp tới rồi.

Ông cười, nói tuy chưa lên Tu Mơ Rông lần nào, nhưng không có nghĩa là ông không biết gì về Tu Mơ Rông cả. Đừng có mà “lòe” ông.

Đơn giản lắm- ông cười khà khà- đây này, báo chí viết huyện Tu Mơ Rông rất có tiềm năng du lịch. Đó là khí hậu mát mẻ, trong lành; cảnh quan đặc trưng với ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh, thác, suối còn giữ nguyên được vẻ nguyên sơ vốn có.

Khung cảnh thiên nhiên còn giữ nét hoang sơ tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: TH

Đó là các di tích lịch sử, chứng tích trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhất là Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum. Đó còn là những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc, được đồng bào DTTS ở đây tích lũy, gìn giữ qua bao đời.

Nhưng cái khó của Tu Mơ Rông bây giờ chính là cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông- ông nói.

Trung tâm huyện Tu Mơ Rông hiện ra sau một khúc cua dài, với những tòa nhà được làm trên sườn núi; những con đường rộng, ngắn và dốc, đi chưa hết đã thấy núi trầm mặc, đã thấy rừng rì rào. 

Hai chú cháu ngồi trong quán cà phê. Tôi kể cho ông nghe về những ngày Tu Mơ Rông mới chia tách từ huyện Đăk Tô, nổi danh với ruồi vàng, với mưa rừng, gió núi khắc nghiệt. Tôi kể về những đêm lạnh, anh em đốt lửa sưởi trong khu nhà tập thể lụp xụp; những ngày mưa lũ bịt kín đường ra, đành ăn mì gói cầm hơi.

Không ai tin vào phép lạ, nhưng tin rằng thời gian cùng ý chí và nghị lực của con người có thể làm thay đổi một vùng đất. Tu Mơ Rông vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đã dần được đánh thức, với việc khai thác thế mạnh về dược liệu, về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Tu Mơ Rông cũng không còn là ngõ cụt, mà đã nối thông nhiều ngả, với các tuyến đường Nam Quảng Nam,  Ngọk Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Mường Hoong-Ngok Linh.

Tính đến đầu tháng 12 này, năm 2023, huyện Tu Mơ Rông đã đón 10.000 lượt khách du lịch rồi đấy nhé. Có thể chưa là gì so với những vùng thuận lợi, nhưng với Tu Mơ Rông, đây thật sự là một con số có ý nghĩa đấy. Và biết đâu, chú cháu mình là thứ 10.001 và 10.002 đấy ạ- tôi nói đùa.

Nhấm nháp ly cà phê đen, người cựu chiến binh già trầm tư hỏi tôi: Sao cậu không hỏi lý do gì khiến một người già cả như tớ (trời ạ, đúng chất lính nhé) lặn lội lên đây nhỉ?

Tôi kín đáo quan sát ông. Trực giác cho tôi biết, khi ông muốn nói sẽ tự nói, còn nếu không muốn, có hỏi ông cũng không nói.

Ông thủng thẳng: Tớ muốn mở tour lên đây. Nhưng trước hết phải xem mình có rung cảm không đã. Nếu mình không thể rung cảm, sao có thể làm cho du khách thích được?

Du khách tham quan vườn sâm Ngọc Linh của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: TH

Tôi phục lăn cái triết lý của ông. Tôi tự hào “khoe” rằng: Những năm gần đây, Tu Mơ Rông đã và đang dần trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn với núi rừng trùng điệp còn nguyên vẹn nét hoang sơ; với khí hậu mát mẻ, lành lạnh của vùng ôn đới; kho tàng di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể lâu đời của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Rằng, từ mấy năm nay, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Tu Mơ Rông với những dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó nổi bật là các dự án trồng dược liệu, nổi bật là trồng sâm Ngọc Linh.

Rằng, Tu Mơ Rông rất có tiềm năng trong phát triển du lịch. Đến với Tu Mơ Rông, du khách có thể thỏa thích khám phá cảnh quan thiên nhiên; tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử; tham quan vườn sâm Ngọc Linh, vườn dược liệu.

Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Tu Mơ Rông đã xác định phát triển dược liệu gắn với du lịch là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với trục xoay là Rừng, Sâm Ngọc Linh, Dược liệu gắn với du lịch.

Ông kêu tôi dẫn đi dạo. Mượn một chiếc xe máy của anh bạn làm ở UBND huyện, tôi chở ông đi một vòng qua những con đường dốc.  Ông tấm tắc khen không gian Tu Mơ Rông còn nguyên vẻ hoang sơ, phong cảnh thơ mộng, chưa bị con người can thiệp sâu.

Thấy tôi cười, ông “nạt” nhẹ: Đừng coi thường điều này, nó chính là yếu tố quan trọng tạo sức hút đối với du khách đấy.

Nghe ông nhận xét mà tôi chợt nhớ huyện đã đề nghị tỉnh công nhận 7 điểm du lịch, gồm điểm du lịch cộng đồng thôn Pu Tá, xã Măng Ri; điểm du lịch Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Măng Ri, điểm du lịch thác Đa Tầng tại xã Tê Xăng; 3 điểm du lịch cộng đồng gắn với FarmStay tại xã Ngọc Lây; điểm du lịch thác Siu Puông tại xã Đăk Na.

Nhất định phải đưa ông đi thăm hết những nơi này. Hơn nữa, còn phải bố trí để ông đi thăm vườn sâm Ngọc Linh; ngắm ruộng bậc thang; trải nghiệm cuộc sống ở làng của đồng bào Xơ Đăng. 

Anh bạn ở Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện ngỏ ý mời dự một bữa cơm thân mật được chế biến “đặc biệt”. Và người cựu chiến binh già rất háo hức khi được mời những món ăn được chế biến từ sâm dây, với sâm dây.

Thật sự là rất đặc biệt. Vừa “ngon mắt, ngon miệng, ngon mũi”, vừa hết sức bổ dưỡng. Tới đây, tour của chú tổ chức nhất định phải có phần ẩm thực từ dược liệu như thế này- ông quả quyết.

Tôi khấp khởi mừng. Vì biết đó chính là cách để ông nói rằng rất nhanh sẽ quay trở lại với Tu Mơ Rông trong vai trò khác.          

Và đó cũng là lời hứa hẹn của ông với đại ngàn! 

Thành Hưng