Bản vẽ kỹ thuật là gì? Có những bản vẽ kỹ thuật nào?

Bản vẽ kỹ thuật là gì? Đây là thắc mắc của rất nhiều người không có chuyên môn về thiết kế, kỹ thuật. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn những thông tin cần thiết về bản vẽ kỹ thuật. Cùng đọc tham khảo nội dung bài viết dưới đây nhé!

1. Bản vẽ kỹ thuật là gì?

Để nắm được bản vẽ kỹ thuật là gì, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm và các ứng dụng của bản vẽ kỹ thuật.

1.1. Khái niệm

Bản vẽ kỹ thuật là một dạng tài sản trí tuệ được tạo ra bởi các kỹ sư hoặc nhà thiết kế kỹ thuật nhằm thể hiện ý tưởng thiết kế. Bản vẽ kỹ thuật dùng để mô tả những thông tin kỹ thuật chi tiết của sản phẩm.

Bản vẽ kỹ thuật không thể thiếu các thông tin cụ thể về kích thước, hình dạng, vật liệu, cấu trúc và các thông số kỹ thuật khác liên quan đến sản phẩm. Các nhà thiết kế có thể đăng  ký bản quyền bản vẽ kỹ thuật của mình và được quyền trao đổi, mua bán hợp pháp.

ban-ve-ky-thuat-la-gi-ban-ve-ky-thuat-la-de-mo-ta-chi-tiet-san-pham-thiet-keBản vẽ kỹ thuật là để mô tả chi tiết sản phẩm thiết kế (Ảnh minh họa)

Có 2 loại bản vẽ kỹ thuật bao gồm bản vẽ hình chiếu hai chiều (2D) và bản vẽ hình chiếu ba chiều (3D).

Trước đây, bản vẽ 2D là loại bản vẽ thông dụng được thể hiện trên một mặt phẳng chỉ có chiều dài và chiều rộng. Giờ đây, với sự bùng nổ và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ máy tính và hiện đại hóa của ngành máy công cụ đã cho ra đời các bản vẽ 3D.

Với bản vẽ 3D, sản phẩm được mô tả trực quan, chi tiết và rõ ràng hơn. Vì thế, bản vẽ 3D ngày càng được sử dụng phổ biến và dần dần thay thế các bản vẽ 2D.

1.2. Bản vẽ kỹ thuật dùng để làm gì?

Thực tế, mỗi ngôi nhà, mỗi công trình hay các sản phẩm thiết kế đều dựa theo bản vẽ kỹ thuật mà hình thành đúng tiêu chuẩn. Vậy nên, bản vẽ kỹ thuật giữ vai trò rất quan trọng và có ứng dụng rất cần thiết đối với đời sống, sản xuất, thiết kế và vận hành…

  • Bản vẽ kỹ thuật dùng để chế tạo và cho ra đời vô số các công trình, thiết kế, sản phẩm và các thiết bị dung cụ phục vụ cho đời sống. Thông qua bản vẽ kỹ thuật có thể biết được kết cấu, hình dạng và các thông tin khác phục vụ cho quá trình chế tạo, hoàn thành nên sản phẩm.

  • Căn cứ theo bản vẽ kỹ thuật để trao đổi thông tin, tạo ra các thiết kế chuẩn xác, chất lượng và đúng với yêu cầu kỹ thuật.

  • Dựa theo mô tả chi tiết của bản vẽ kỹ thuật để ứng dụng lắp ghép hoàn thành sản phẩm.

  • Bản vẽ kỹ thuật là cơ sở tiêu chuẩn để kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng thiết kế được tạo ra. Từ đó, phát hiện lỗi và có cách khắc phục, sửa chữa các bộ phận, kết cấu theo đúng quy chuẩn và nghiệm thu khi đạt tiêu chuẩn.

2. Có những loại bản vẽ kỹ thuật nào?

Tùy theo từng ngành sẽ có những loại bản vẽ khác nhau, giúp định hướng cho quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm phù hợp với từng lĩnh vực.

2.1. Bản vẽ kỹ thuật trong các lĩnh vực

ban-ve-ky-thuat-co-khiBản vẽ kỹ thuật bao gồm các số liệu như kích thước, hình dáng,.. (Ảnh minh họa)

Theo mục đích và tính chất của từng lĩnh vực sẽ có các loại bản vẽ thông dụng như sau:

  • Bản vẽ kỹ thuật cơ khí: là những bản vẽ liên quan đến thiết kế, chế tạo, lắp ráp và sử dụng các máy móc, thiết bị cơ khí.

  • Bản vẽ kỹ thuật xây dựng: bao gồm các bản vẽ liên quan đến thiết kế kiến trúc, kết cấu xây dựng, thi công và sử dụng.

  • Bản vẽ kỹ thuật sản xuất: mô tả chi tiết hệ thống sản xuất, kỹ thuật của các quy trình sản xuất bao gồm các bản vẽ thiết bị sản xuất, dây chuyền sản xuất.

  • Bản vẽ kỹ thuật điện: là loại bản vẽ mô tả chi tiết kỹ thuật của các bộ phận, thiết bị và hệ thống điện như: bản vẽ mạch điện, bản vẽ lắp ráp và bản vẽ tháo rời của các bộ phận.

2.2. Phân loại chi tiết các bản vẽ kỹ thuật

  • Bản vẽ chi tiết: ngoài bản vẽ chính tổng thể sẽ có thêm bản vẽ riêng từng chi tiết đi kèm để giúp dễ hình dung cụ thể hơn. Chẳng hạn, bản vẽ chính là toàn bộ căn nhà thì bản vẽ chi tiết là bản vẽ mô tả chi tiết một căn phòng trong ngôi nhà đó. Bản vẽ chi tiết cũng bao gồm các thông tin đầy đủ như bản vẽ chính.

  • Bản vẽ kết cấu bao gồm các số liệu cần thiết như kích thước, hình dạng, vật liệu và các thông số kỹ thuật khác. Cùng với đó là các hình biểu diễn thể hiện kết cấu và hình dạng của các chi tiết trong sản phẩm và cách chúng được gắn kết với nhau.

  • Bản vẽ sơ đồ là loại bản vẽ được sử dụng để tạo ra một cái nhìn tổng quan về sản phẩm đó hoặc cấu trúc của một hệ thống, quy trình, giúp người sử dụng dễ hiểu hơn để thực hiện các bước tiếp theo. Các loại bản vẽ sơ đồ phổ biến bao gồm: sơ đồ khối, sơ đồ luồng công việc, sơ đồ quan hệ và sơ đồ cấu trúc.

  • Bản vẽ lắp ráp là loại bản vẽ kỹ thuật được dùng để hướng dẫn quy trình lắp ráp một sản phẩm, bao gồm vị trí và hướng của các bộ phận và các thông tin về sự kết nối và định vị của các bộ phận. Cùng với đó là các chỉ dẫn thực hiện để đảm bảo an toàn, đúng cách và chính xác trong quá trình lắp ráp.

  • Bản vẽ mặt cắt: nghĩa là bản vẽ về cấu trúc bên trong của một sản phẩm hoặc bộ phận đó bằng cách cắt qua một mặt phẳng.

3. Tỷ lệ của bản vẽ kỹ thuật

Tỉ số giữa kích thước bản vẽ so với kích thước thực tế gọi là tỷ lệ của bản vẽ kỹ thuật. Tất cả đều được vẽ theo một tỷ lệ nhất định và mục đích được sử dụng để biểu thị sự phóng to hoặc thu nhỏ của bản vẽ so với kích thước thật của sản phẩm.

Tỷ lệ bản vẽ ưu tiên nên là (1:1), nghĩa là kích thước của hình biểu diễn bằng với kích thước thực tế. Nếu không thể áp dụng được thì dùng tỷ lệ thu nhỏ hay phóng to.

ty-le-ban-ve-ky-thuat-can-phai-dung-theo-tieu-chuan
Trên bản vẽ nên sử dụng các tỷ lệ theo đúng tiêu chuẩn (Ảnh minh họa)
  • Tỷ lệ bản vẽ bằng thực tế TL (1:1)

  • Tỷ lệ thu nhỏ: hình vẽ nhỏ hơn thực tế (1:2) (1:2,5) ( 1:4) ( 1:5) ( 1:10) ( 1:15) (1:20) ( 1:25) ( 1:40)

  • Tỷ lệ phóng to: hình vẽ lớn hơn thực tế ( 2:1) (2,5: 1) (4:1) (5:1)

Nghĩa là, nếu bản vẽ kỹ thuật có tỷ lệ 1:10, thì kích thước trên bản vẽ nhỏ hơn 10 lần so với thực tế. Tương tự, nếu bản vẽ kỹ thuật có tỷ lệ 5:1, điều này có nghĩa là kích thước trên bản vẽ lớn gấp 5 lần so với kích thước thật của thực tế.

4. Bản vẽ kỹ thuật là ngôn ngữ gì?

Có thể nói bản vẽ kỹ thuật là một loại ngôn ngữ riêng đặc biệt của ngành kỹ thuật. Các kỹ sư hay nhà thiết kế thông qua ngôn ngữ này để truyền tải hết những ý tưởng về sản phẩm của mình đến với mọi người. Ngôn ngữ này bao gồm các ký hiệu, hình dạng và các quy tắc mô tả chi tiết sản phẩm như kích thước, vị trí, vật liệu và các thông số kỹ thuật khác.

Hy vọng rằng những kiến thức về bản vẽ kỹ thuật trong bài viết này sẽ giúp bạn biết được bản vẽ kỹ thuật là gì. Bên cạnh đó, cũng có thể giúp cho công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn, đạt được hiệu quả cao hơn. Hoặc bạn cũng có thể tự mình tập luyện thiết kế để tạo ra những sản phẩm cho riêng mình. Mọi vấn đề vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.