Tạp chí Heritage tổng hợp
Việt Nam “rừng vàng biển bạc” với các dạng địa hình đa dạng đã tạo nên nhiều danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước. Trong đó, không thiếu các loại di sản văn hóa được UNESCO công nhận và vinh danh trên toàn thế giới.
Danh sách các di sản được UNESCO công nhận bao gồm các loại di sản vật thể và phi vật thể, với đầy đủ cả ba loại hình: di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên. Tại bài viết dưới đây, mời bạn đọc cùng Tạp chí Heritage tìm hiểu về các di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam.
Thành cổ Hội An – di sản văn hóa được UNESCO công nhận nổi tiếng tại Việt Nam
(Nguồn: Unsplash)
1. Di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận tại Việt Nam
Di sản văn hóa vật thể có thể kể đến chính là những công trình kiến trúc, cảnh quan, tác phẩm nghệ thuật, hoặc những hiện vật có giá trị cho đến ngày nay. Nói về di sản văn hóa vật thể, tại Việt Nam có 5 di sản văn hóa UNESCO công nhận cho đến hiện tại.
1.1 Phố cổ Hội An
Cái tên đi đầu trong danh sách di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận chính là Phố cổ Hội An, một địa danh tiêu biểu về cảng thị Châu Á truyền thống được xây dựng từ thế kỷ 17, phát triển mạnh mẽ đến thế kỷ 19. Phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam, đã thu hút không ít các du khách trong và ngoài nước.
Phố cổ Hội An đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.
Vẻ đẹp của di sản văn hóa thế giới – Phố cổ Hội An
(Ảnh: Lê Việt Khánh)
1.2 Thánh địa Mỹ Sơn
Tiếp theo trong danh sách di sản văn hóa được UNESCO công nhận là khu di sản văn hóa nổi tiếng Thánh địa Mỹ Sơn. Được UNESCO công bố là di sản văn hóa thế giới tân thời và hiện đại, Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể di tích với nhiều tháp đền thờ thuộc vương quốc cổ Chăm pa. Đại diện cho một nền văn minh độc đáo có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ giáo từ khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XIII.
1.3 Cố Đô Huế
Cùng với Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn tạo nên bộ ba di sản văn hóa thế giới nổi tiếng bậc nhất của dải đất miền Trung, Cố Đô Huế là một trong những di tích lịch sử, văn hóa có từ triều Nguyễn, tọa lạc tại kinh đô Huế xưa, nay là tỉnh Thừa Thiên Huế. Cố Đô Huế trở thành di sản văn hóa việt nam được UNESCO công nhận từ năm 1993.
Lăng Tự Đức – một phần trong quần thể di tích Cố Đô Huế
(Ảnh: JJunie L)
1.4 Hoàng thành Thăng Long
Một cái tên khác trong danh sách di sản văn hóa thế giới mang lại niềm tự hào cho Hà Nội chính là Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng là quần thể di tích lịch sử lâu đời đã trải qua hàng thế kỷ cũng như chứng kiến sự suy thịnh của nhiều triều đại lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 7.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Hoàng thành Thăng Long vẫn là một công trình kiến trúc cực kỳ đồ sộ, được nhiều triều vua xây dựng và tu sửa. Đến năm 2010, Hoàng thành Thăng Long chính thức là di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
1.5 Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ được xây dựng vào thế kỷ XIV, là một đại diện nổi bật cho phong cách kiến trúc mới của kinh thành khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một minh chứng cho sự phồn thịnh của Nho giáo tại Việt Nam và Đông Á nói chung vào thế kỷ thứ XIV. Nét đẹp cảnh quan của Thành Nhà Hồ là sự giao thoa giữa đồng bằng sông Mã và sông Bưởi, cùng với sự hùng vĩ của núi non.
Đến năm 2011, Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận.
Thành nhà Hồ – Tòa thành kiên cố với nhiều điểm kiến trúc độc đáo
(Ảnh: Báo Người Lao Động)
2. Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận tại Việt Nam
Bên cạnh 5 di sản văn hóa vật thể, Việt Nam cũng được UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể bao gồm:
2.1 Nhã nhạc cung đình Huế
Đi đầu trong danh sách chính là một thể loại nhạc tiêu biểu của cung đình Huế thời phong kiến, thường được biểu diễn tại các lễ hội lớn với sự chứng kiến của Vua cùng nhiều quan lớn triều đình. Đến hiện nay, Nhã nhạc cung đình Huế đã trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận cấp thế giới, được con người Việt Nam giữ gìn và phát triển đến các thế hệ sau.
2.2 Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Vào năm 2015, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là một trong những kiệt tác phi vật thể nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như: nhạc cụ cồng chiêng và các bản nhạc tấu, người chơi, lễ hội sử dụng cồng chiêng cùng những địa điểm tổ chức.
Để được trải nghiệm không gian này, các du khách chắc chắn phải ghé đến những buôn làng Tây Nguyên với các cụm nhà rông nhà rươi. Đặc biệt là đến vào những thời điểm lễ hội như Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước,….
2.3 Dân ca Quan họ
Khi nhắc đến Bắc Ninh, chắc chắn hầu hết mọi người đều nghĩ đến một làn điệu dân ca vô cùng nổi tiếng, đó là Dân ca Quan họ. Với nhiều nét độc đáo và giá trị về văn hóa, con người, Dân ca Quan họ đã trở thành di sản văn hóa Việt Nam UNESCO công nhận vào năm 2009.
Di sản văn hóa được UNESCO công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh
(Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)
2.4 Ca trù
Được hình thành từ thế kỷ thứ 15, hát ca trù là một loại hình nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam, đã từng được trình diễn trong cung đình, trước những tầng lớp trí thức và quý tộc Việt. Ca trù được xem là một di sản văn hóa phi vật thể với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc.
2.5 Hội Gióng
Thánh Gióng là một câu truyện dân gian được lưu truyền từ nhiều thế hệ người Việt. Đến nay, Thánh Gióng cũng là một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Do đó, tại nhiều địa phương Việt Nam vẫn giữ văn hóa hội Gióng để ca ngợi và tưởng nhớ đến chiến công của Thánh Gióng trong truyền thuyết xưa.
Để được chiêm ngưỡng Hội Gióng là di sản văn hóa được UNESCO công nhận, các du khách có thể đến đền Phù Đổng (Gia Lâm) hoặc đền Sóc (huyện Sóc Sơn) tại Hà Nội.
2.6 Hát xoan Phú Thọ
Hát Xoan là một cách hát thờ thần, tương truyền có từ thời vua Hùng và vẫn được gìn giữ đến thời điểm hiện nay. Đến năm 2011, Hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể cấp thế giới.
Hát xoan Phú Thọ được bảo tồn và phát huy di sản bao đời
(Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)
2.7 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Tại Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được người dân gìn giữ và lưu truyền đến những thế hệ sau. Không chỉ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, tín ngưỡng này còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh là di sản cấp quốc gia.
2.8 Đờn ca tài tử
Năm 2013, Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp thế giới. Được hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ 19, Đờn ca tài tử là một dòng nhạc dân tộc có nguồn gốc từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian 14.
Đờn Ca Tài Tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2013
(Ảnh: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch)
3. Di sản văn hóa hỗn hợp được UNESCO công nhận tại Việt Nam
Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình chính là các tên duy nhất được điểm danh tại di sản văn hóa hỗn hợp được UNESCO công nhận cho đến thời điểm hiện tại. Tràng An không chỉ sở hữu danh thắng quyến rũ bậc nhất với đầy đủ các địa hình từ sông ngòi, đầm lầy, núi non nối liền nhau, mà còn sở hữu nhiều khu di tích khác như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư.
Đến năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đồng thời cũng chính thức là di sản văn hóa hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Danh thắng Tràng An, Ninh Bình – Di sản văn hóa hỗn hợp cấp thế giới được UNESCO công nhận
(Ảnh: Jonathan Ouimet)
4. Di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam
Bên cạnh những di sản văn hóa kể trên, Việt Nam hiện tại cũng sở hữu 3 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh từ năm 2009.
4.1 Mộc bản triều Nguyễn
Là di sản tư liệu thế giới đầu tiên được UNESCO công nhận từ năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn là một khối tài liệu có từ thời triều Nguyễn. Khối văn tự này có tổng cộng 34.618 tấm chữ Hán-Nôm, với nội dung phong phú và đa dạng phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.
4.2 Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Hiện nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám đang có 82 bia tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi, từ niên đại 1484 – 1780, đây cũng chính là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đến năm 2011, những tư liệu này đã trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Không những thế, đến năm 2012, toàn bộ Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Di sản văn hóa được UNESCO công nhận cấp thế giới – Văn Miếu Quốc Tử Giám
(Ảnh: Thuỷ Nguyễn)
4.3 Châu bản triều Nguyễn
Đây là một hệ thống bao gồm các văn bản hành chính của triều Nguyễn, được thể hiện dưới văn tự Hán – Nôm. Đặc biệt, tại Châu bản triều Nguyễn đã đề cập đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mang nhiều giá trị đặc biệt quan trọng, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vào năm 2017.
Trên đây là tổng hợp các di sản văn hóa được UNESCO công nhận cho đến thời điểm hiện nay, bao gồm các loại di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản hỗn hợp cùng các di sản tư liệu được công nhận cấp thế giới. Mỗi di sản văn hóa được công nhận không chỉ khẳng định nét đẹp Việt Nam qua nhiều thế hệ, còn góp phần khẳng định giá trị về mặt văn hóa lẫn lịch sử của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay.
Bài viết liên quan:
- Đằm thắm điệu hò dân ca Bắc Trung Bộ
- Khám phá những di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam
- Chu du khám phá di sản ở Miền Trung tổ quốc